Sự nghiệp Eduard Streltsov

Giai đoạn đầu tiên

Ở tuổi 16, Streltsov ra mắt cho Torpedo trong mùa giải 1954, xuất hiện trong mọi trận đấu và ghi bốn bàn thắng.[4] Đội xếp chung cuộc thứ chín cuối mùa, tụt sáu bậc so với năm trước đó.[5] Trong mùa giải thứ hai, Streltsov là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất giải đấu, với 15 bàn sau 22 trận, giúp đội bóng vươn lên vị trí thứ tư.[4][5][6] Sự xuất sắc này giúp Streltsov được chọn vào đội tuyển quốc gia Liên Xô vào năm 1955, vào giữa mùa giải. Anh có trận ra mắt đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia trước trận giao hữu với Thụy Điển tại Stockholm vào ngày 26 tháng 6.[7] Trong trận đấu đó, Streltsov hat-trick chỉ vỏn vẹn trong 45 phút đầu tiên của hiệp một. Đội Liên Xô còn ghi thêm 3 bàn thắng nữa để thắng chung cuộc 6-0. Trong lần xuất hiện thứ hai với Ấn Độ, anh một lần nữa ghi ba bàn. Vào đầu năm 1956, Streltsov có mặt tại Hungary và ghi một bàn thắng vào lưới Pháp. Tính đến lúc đó, chàng trai Perovo ngày nào đã ghi được bảy bàn thắng cho Liên Xô trong bốn trận đấu. Sau khi ghi bàn trong trận đấu với Đan Mạch vào tháng 4 năm 1956, anh bỏ lỡ ba trận đấu quốc tế trước khi trở lại vào tháng 9 với một bàn thắng sau ba phút trong chiến thắng 2-1 trước Tây Đức. Ở góc độ câu lạc bộ, Streltsov tiếp tục ghi bàn đều đặn cho Torpedo, với 12 bàn thắng trong mùa giải 1956. Anh cũng xuất hiện trong hai trận thua liên tiếp của Liên Xô trước thềm Thế vận hội OlympicMelbourne vào tháng 11 năm 1956.[4] Streltsov đã ghi ba bàn trong chiến thắng 16-2 trước Australia trong trận đấu không chính thức vào ngày 15 tháng 11 trước khi có bàn thắng muộn màng giúp Liên Xô hạ gục Đội tuyển Đức Thống nhất chín ngày sau đó. Liên Xô giành chiến thắng trong trận tái đấu gặpIndonesia ở tứ kết để đối đầu Bulgaria trong trận bán kết.[7]

Trận đấu có kết quả 0-0 sau 90 phút,[1][7] với việc hậu vệ Nikolai Tishchenko và đồng đội của Streltsov tại Torpedo là Valentin Ivanov đều bị chấn thương, đội Liên Xô chỉ có chín cầu thủ phù hợp khi Bulgaria ghi bàn sớm trong hiệp phụ. Màn trình diễn của Streltsov sau đó được nhà báo Jonathan Wilson mô tả là "tuyệt vời". Anh tự mình ghi bàn gỡ hòa vào phút thứ 112 rồi kiến tạo cho Boris Tatushin của Spartak Moscow sút tung lưới đối thủ bốn phút sau đó để giúp Liên Xô lội ngược dòng giành chiến thắng với tỉ số 2-1.[1] Streltsov sau đó bị ném lên ghế dự bị và bỏ lỡ trận chung kết với Nam Tư vì huấn luyện viên Gavriil Kachalin, tin rằng hai cầu thủ tiền đạo nên là đồng đội của cùng một câu lạc bộ, và vì Ivanov không thích hợp nên Streltsov cũng bị loại. Nikita Simonyan, người thay thế Streltsov, đã chính tay trao cho Streltsov chiếc huy chương vàng mà anh xứng đáng được hưởng sau chiến thắng nghẹt thở 1-0 trước Nam Tư. Tuy nhiên, Streltsov từ chối và nói rằng "Nikita, tôi sẽ còn giành được nhiều danh hiệu khác".[1] Trong cuộc bỏ phiếu Quả bóng Vàng 1956 sau đó, Streltsov chỉ giành được hai phiếu.[8]

Năm 1957, Streltsov ghi bàn khai cuộc trong chiến thắng tưng bừng 2-0 trước Ba Lan trong trận play-off vòng loại World Cup 1958. Chiến thắng này giúp Liên Xô đủ điều kiện tham dự kì World Cup một năm sau đó.[7] Ở cấp độ câu lạc bộ, anh ghi 12 bàn sau 15 trận đấu trong mùa giải 1957, giúp Torpedo, đội bóng không bao giờ vô địch giải đấu và theo truyền thống bị lu mờ bởi các đối thủ địa phương như CSKA, Dynamo và Spartak, kết thúc mùa giải với tư cách là á quân của Liên đoàn hàng đầu Liên Xô.[5] Vào cuối mùa giải đó, Streltsov đứng thứ bảy trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng 1957, với 12 phiếu.[9] Đầu năm 1958, Streltsov chạm cột mốc vô tiền khoáng hậu với 18 bàn sau 20 trận. Anh cũng ghi được năm bàn thắng trong tám trận đấu đầu tiên của mùa giải Top League 1958 và xuất hiện trong trận hòa giao hữu 1-1 trước Đội tuyển Anh tại Moscow vào ngày 18 tháng 5 năm 1958.[7]

Bê bối hiếp dâm

Cáo buộc

Bên cạnh sự nghiệp lẫy lừng trên sân cỏ, Streltsov còn khét tiếng lăng nhăng, nghiện rượu cũng như sống xa hoa. Thậm chí, anh còn để tóc của mình theo phong cách "Teddy Boy" của Anh.[1][2] Là một nhân vật quan trọng ở cấp độ câu lạc bộ nói riêng và cho đội tuyển quốc gia nói chung, những đặc điểm này kết hợp với nhau khiến giới quan chức phải chú ý đến anh, như cách nói của Wilson: "Streltsov đã trở nên nổi tiếng quá mức cần thiết".[1] Vấn đề này càng nóng hơn bởi một mối quan hệ mập mờ giữa anh và Svetlana Furtseva, cô con gái 16 tuổi của nữ thành viên Bộ Chính trị đầu tiên là Nikolina Furtseva, một bộ trưởng thân cận với Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev. Trước việc cô con gái rượu của mình mê mẩn anh chàng tiền đạo 19 tuổi, mẹ cô tìm gặp anh tại lễ ăn mừng chiến thắng Olympic năm 1956 tổ chức tại Điện Kremlin vào đầu năm 1957. Furtseva đề nghị Streltsov kết hôn với con gái mình. Tuy nhiên, anh đã từ chối, lấy lý do: "Tôi đã có một vị hôn thê và tôi không thể kết hôn với cô ấy [Svetlana]." Lát sau, trong lúc say rượu, người ta nghe Streltsov nói thế này: "Tôi sẽ không bao giờ cưới con khỉ đó" hoặc cũng có thể: "Tôi thà bị treo cổ hơn là cưới một cô gái như vậy" (cả hai trích dẫn đều được báo cáo lại).[1][2]

Streltsov bí mật đính hôn với Alla Demenko trước khi lên đường đến Thế vận hội.[10] Cặp đôi kết hôn vào ngày 25 tháng 2 năm 1957 khi anh giữa chừng chuẩn bị cho mùa giải mới.[10] Cục Bóng đá Liên Xô chỉ trích cả anh lẫn câu lạc bộ của về thời gian tổ chức buổi lễ.[1] Đảng Cộng sản dường như cũng không tin tưởng Streltsov, họ coi anh ta là một kẻ đào ngũ tiềm tàng sau khi anh thu hút sự quan tâm của các câu lạc bộ Pháp và Thụy Điển trong các chuyến du đấu ở nước ngoài với Torpedo. Hồ sơ của anh trong kho lưu trữ của đảng bao gồm lời bình luận sau: "Theo nguồn tin được xác minh, Streltsov nói với bạn bè vào năm 1957 rằng anh ta luôn cảm thấy tiếc nuối mỗi khi quay trở lại Liên Xô sau những chuyến du đấu nước ngoài."[1] Sau khi bị đuổi khỏi sân trong một trận đấu ở Odessa vào tháng 4 năm 1957, tờ báo thể thao chính thức của chính phủ, Sovetsky Sport đã cho đăng một bài viết với tựa đề "Đây không phải là anh hùng", đính kèm những lá thư được viết bởi các thành viên của giai cấp vô sản, trong đó mô tả Streltsov như một "ví dụ về tệ nạn của chủ nghĩa đế quốc phương tây".[1]

Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev năm 1961. Theo ông Gavriil Kachalin, người quản lý đội bóng đá quốc gia, Khrushchev đã trực tiếp tham gia vào vụ án Streltsov.[1]

Một tuần sau khi xuất hiện trong trận đấu khởi động cho chiến dịch World Cup 1958 trước đội tuyển Anh, Streltsov được một sĩ quan quân đội Liên Xô (Eduard Karakhanov) mời đến một bữa tiệc dự định sẽ tổ chức vào ngày 25 tháng 5 tại dacha của ông.[1] Lúc bấy giờ, Streltsov và phần còn lại của đội tuyển Liên Xô đang ở trong một trại huấn luyện tại Tarasovka, ngay bên ngoài thủ đô Moscow, nhưng đội đã được nghỉ trong ngày. Vào cuối những ngày như vậy, các cầu thủ phải báo cáo với chính quyền tại sân vận động Dynamo lúc 4:30 chiều,[10] nhưng Streltsov và hai đồng đội Mikhail OgonkovBoris Tatushin (chơi cho Spartak) đã bỏ qua quy tắc này và trốn đi dự tiệc.[10] Tại bữa tiệc, một phụ nữ 20 tuổi tên là Marina Lebedeva cũng tham dự, người mà Streltsov chưa bao giờ gặp. Sáng hôm sau, Streltsov, Ogonkov và Tatushin đều bị bắt và buộc tội cưỡng hiếp cô.[1][2]

Nhà báo Kevin O'Flynn viết rằng việc uống nhiều rượu trong bữa tiệc làm cho bằng chứng chống lại Streltsov trở nên "mơ hồ và mâu thuẫn", ngay cả từ Lebedeva.[2] Sau này, huấn luyện viên đội tuyển Liên Xô, ông Gavriil Kachalin, trước khi Streltsov chết đã tiết lộ chính những quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản đã ra lệnh rằng không ai được phép giúp đỡ các cầu thủ. Kachalin nói rằng cảnh sát đã nói với ông về sự liên quan cá nhân của Khrushchev, được thúc đẩy bởi mối tư thù của Furtseva.[1] Theo phát biểu của người đồng đội Nikita Simonyan năm 2006, Streltsov đã viết về nhà cho mẹ mình "nói rằng anh ta đang bị ai đó đứng sau đổ vấy".[1] Simonyan khẳng định Streltsov và Lebedeva đã ngủ cùng nhau, anh cũng không tin rằng cuộc gặp của họ là một sự sắp xếp có chủ đích, nhưng lại không chắc chắn về việc liệu Streltsov có cưỡng hiếp cô hay không. Simonyan gợi ý rằng mối quan hệ tình dục đồng thuận có thể đã bị biến thành một cáo buộc cưỡng hiếp "có hệ thống", mà ông nói rằng mục tiêu là nhắm đến các tiền đạo Torpedo.[1] Tuy nhiên, trong cùng một cuộc phỏng vấn, Simonyan cũng tiết lộ những bức ảnh chụp cả Lebedeva và Streltsov ở thời điểm phiên tòa diễn ra, bao gồm một bức ảnh trong đó khuôn mặt tiền đạo Torpedo "bị sọc từ mũi đến xương gò má với ba vết xước song song".[1] "Có khả năng các bức ảnh đã được chắp vá hoặc các thương tích xảy ra vào một ngày sau vụ việc", Wilson bình luận, "nhưng ngành tư pháp của Liên Xô hiếm khi yêu cầu đến bằng chứng nguy hại như vậy."[1] Vợ của Streltsov đã đệ đơn ly hôn ngay sau khi những lời buộc tội được đưa ra.[10] Ngoài bản thân Streltsov, các thành viên duy nhất của đội có mặt tại phiên tòa của anh vào thời điểm đó là Ogonkov và Tatushin. Họ đều có mặt với tư cách nhân chứng.[10]

Bản án

Streltsov thú nhận tội trạng sau khi được hứa hẹn cho phép giữ vị trí của mình trong đội tuyển Liên Xô cho World Cup 1958.[1] Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, Streltsov bị kết án mười hai năm trong các trại lao động cưỡng bứcGulag, đồng thời cấm trở lại với bóng đá chuyên nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào.[10] Kế hoạch tuần hành của 100.000 công nhân tại nhà máy xe hơi ZiL tại Moscow, căn cứ của câu lạc bộ Torpedo để thể hiện sự ủng hộ với Streltsov đã không thể diễn ra khi anh bị kết án.[1][2][10] Trong khi đó, Ogonkov và Tatushin bị treo giò ba năm,[11] cấm đại diện cho Liên Xô suốt đời.[10] Trong trại giam, Streltsov trở thành nạn nhân của một tên tội phạm trẻ tuổi, khiến anh phải dành đến bốn tháng trong bệnh viện nhà tù do chịu đựng những vết thương từ "thanh sắt hoặc gót giày".[2] Quản lý trại sau đó đưa Streltsov vào các trận bóng đá để trấn an các tù nhân vào thời điểm khó khăn. Tù nhân Ivan Lukyanov nhớ lại: "Chúng tôi yêu mến Streltsov và tin rằng anh ấy sẽ trở lại với bóng đá. Và không phải chỉ có chúng tôi nghĩ thế."[2]

Trong khi đó, đội tuyển Liên Xô đã tới Thụy Điển tham dự World Cup mà không có Streltsov, Ogonkov hay Tatushin. Báo chí thế giới tuyên bố rằng hai trong số các đội cạnh tranh đã bị suy yếu nghiêm trọng: Anh bởi thảm họa hàng không ở Munich và Liên Xô do mất Streltsov.[12] Liên Xô lọt vào tứ kết, thua 0-2 trước chủ nhà Thụy Điển, đội bóng từng bị chính họ nghiền nát 6-0 nơi Streltsov có trận ra mắt đầu tiên năm 1955.[2][7] Về phía Torpedo, không có Streltsov, họ thi đấu bạc nhược và rơi từ vị trí thứ hai vào năm 1957 xuống thứ bảy vào năm 1958, mặc dù họ cũng lọt vào trận chung kết Cup Liên Xô trước khi thua Spartak. Cây săn bàn hàng đầu của câu lạc bộ giờ đây đã được gánh vác bởi cầu thủ trẻ 21 tuổi Gennadi Gusarov, trong thời gian này được đôn lên thi đấu như một cầu thủ chuyên nghiệp. Đội bóng vươn lên vị trí thứ năm vào năm 1959 trước khi giành cú đúp Top League và Cup một năm sau đó, với Gusarov dẫn đầu giải đấu với 20 bàn thắng. Torpedo sau đó kết thúc với vị trí á quân trong mùa giải 1961, Gusarov ghi 22 bàn. Tuy nhiên, họ kết thúc ở giữa bảng xếp hạng sau khi Gusarov bị bán cho Dynamo trong khoảng thời gian 1962 và 1963. Torpedo một lần nữa vươn lên xếp thứ hai vào mùa giải 1964, tuy nhiên để thua trước Dinamo Tbilisi trong trận play-off tranh chức vô địch sau khi hai câu lạc bộ kết thúc bằng điểm.[5][13]

Mãn tù và trở lại với bóng đá

Tổng Bí thư Leonid Brezhnev (ảnh năm 1967) – người có công rất lớn đưa Streltsov trở lại với bóng đá chuyên nghiệp.

Thi đấu nghiệp dư

Streltsov được phóng thích vào ngày 4 tháng 2 năm 1963,[10] sớm bảy năm so với bản án mười hai năm phải nhận. Do lệnh cấm chơi bóng chuyên nghiệp, anh bắt đầu phân chia thời gian giữa công việc tại nhà máy ZiL và nghiên cứu về kỹ thuật ô tô tại trường cao đẳng kỹ thuật.[10] Sau mối tình tan vỡ với Alla, anh kết hôn với Raisa Mikhailovna vào tháng 9 năm 1963. Streltsov cũng bắt đầu chơi cho đội nhà máy nghiệp dư, điều này khiến anh thu hút một lượng cổ động viên lớn trong suốt lượt đi và về của giải. Khi đội ZiL tới Gorky chơi một trận đấu trên sân khách vào cuối năm 1964, huấn luyện viên của đội đã nhận được lệnh từ cấp trên không được cho Streltsov vào sân. Khán giả ngay lập tức chú ý đến điểm này. Trong suốt hiệp đấu thứ nhất, họ gây bạo loạn, đe dọa sẽ đốt cháy sân vận động đồng thời hô vang tên của Streltsov. Lo lắng rằng đám đông giận dữ có thể vượt quá giới hạn, giám đốc nhà máy Gorky đã ra lệnh cho huấn luyện viên ZiL cho Streltsov ra sân trong hiệp hai. Khi vừa bước ra sân, cựu tù nhân Gulag đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt.[10]

Với Streltsov trong đội, ZiL đã đứng đầu giải đấu nhà máy sau khi chiến thắng tất cả 11 trận đấu. Mặc dù anh không được phép chơi cho Torpedo, Streltsov cũng tham dự các trận đấu tại câu lạc bộ cũ của anh trong suốt mùa giải.[10] Vào tháng 10 năm 1964, Leonid Brezhnev lên thay Khrushchev làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. Ngay khi nhậm chức, ông đã nhận một lá thư có chữ ký của hàng chục ngàn người, bao gồm các anh hùng của Lao động cùng các thành viên của Xô viết tối cao Liên Xô, yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm thi đấu chuyên nghiệp của Streltsov. Tuy nhiều thành viên trong Đảng đã tỏ ra cảnh giác với sự trở lại tiềm năng của Streltsov, sợ rằng việc đưa anh vào một đội thường xuyên du đấu đến Tây Âu có thể dẫn đến một biến cố tầm cỡ quốc tế, nhưng Brezhnev đã bãi bỏ lệnh cấm, cho rằng với tư cách là một công dân tự do, Streltsov có thể làm bất cứ nghề nào anh muốn. Cuối cùng, anh được xóa án treo giò để trở lại Torpedo trước mùa giải 1965.[2][10]

Trở lại thi đấu chuyên nghiệp

Streltsov trở lại dưới sự ủng hộ nhiệt tình của người hâm mộ.[14] Mặc dù ít nhiều đã mất đi sức mạnh cùng sự nhanh nhẹn, nhưng trí thông minh và khả năng chơi bóng của anh vẫn còn nguyên vẹn. Sự có mặt của Streltsov đã giúp Torpedo giành chức vô địch Liên Xô năm 1965, trong đó Streltsov ghi 12 bàn sau 26 trận đấu.[1][2][4][5] Vào cuối mùa giải, anh đứng thứ hai trong cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Liên Xô sau người đồng đội ở Torpedo là Valery Voronin.[15] Đó là lần thứ hai Torpedo giành chức vô địch, sau danh hiệu đầu tiên năm năm trước đó, khi Streltsov vẫn còn đang bị cầm tù.[5] Streltsov có mặt lần đầu tiên tại một giải đấu liên lục địa vào ngày 28 tháng 9 năm 1966, khi đội của anh để thua 0-1 trước Inter Milancúp châu Âu.[16] Ngày 16 tháng 10 năm 1966, Streltsov được gọi trở lại vào đội tuyển quốc gia Liên Xô trong trận thua 0-2 trên sân nhà trước Thổ Nhĩ Kỳ.[17] Anh ghi bàn thắng quốc tế đầu tiên trong lần trở lại một tuần sau đó trong trận hòa 2-2 trước Đông Đức, xuất hiện trong trận thua 0-1 trước Ý hai tuần sau đó.[17] Torpedo lọt vào trận chung kết Cúp Liên Xô năm 1966, nhưng thua 0-2 trước Dynamo.[5] Tuy nhiên, Streltsov cũng kịp lặp lại thành tích 12 bàn thắng do chính anh thiết lập tại Top League mùa giải trước đó.[4]

Streltsov tái lập thành công bản thân trong đội tuyển Liên Xô vào năm sau, khi anh xuất hiện trong tám trận đấu với Đội tuyển Liên Xô, bắt đầu bằng chiến thắng 2-0 trong trận giao hữu trước Scotland ở Glasgow vào tháng 5 năm 1967, ghi được hai bàn cho đội tuyển quốc gia: một bàn trong chiến thắng 4-2 trước Pháp tại Paris vào ngày 3 tháng 6 năm 1967 và một bàn trong chiến thắng 4-3 tại giải vô địch châu Âu trước Áo tám ngày sau đó. Sau khi mất vị trí của mình trong trận đấu tại vòng loại Giải vô địch châu Âu năm 1968 với Phần Lan vào ngày 30 tháng 8 năm 1967, Streltsov tiếp tục bỏ lỡ ba trận đấu tiếp theo của Liên Xô đến khi lấy lại vị trí của mình trong trận giao hữu với Bulgaria vào ngày 8 tháng 10, ghi một bàn thắng giúp Liên Xô lội ngược dòng thắng 2-1. Anh giữ nốt vị trí này trong phần còn lại của năm dương lịch đồng thời lập hat-trick vào lưới Chile vào ngày 17 tháng 12.[17] Streltsov được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất của Liên Xô vào cuối mùa giải,[1][15] Với sáu bàn thắng trong năm 1967, đây là mức thấp nhất của anh trong một mùa giải tính từ lần thi đấu đầu tiên vào năm 1954.[4]

Streltsov không có mặt trong đội hình đội tuyển Liên Xô thi đấu trong ba trận đấu đầu tiên của đội tuyển quốc gia năm 1968. Sau khi góp mặt trong trận thắng giao hữu trên sân nhà trước Bỉ vào tháng Tư, anh có trận thi đấu cuối cùng cho Liên Xô ở trận lượt đi vòng tứ kết Giải vô địch châu Âu vào ngày 4 tháng 5 năm 1968, khi Liên Xô thất bại 0-2 trước Hungary. Liên Xô đã đánh bại Hungary 3-0 tại Moscow một tuần sau đó mà không có Streltsov, để đủ điều kiện vượt qua vòng loại. Streltsov bị loại khỏi đội hình giải đấu và không bao giờ chơi cho Liên Xô nữa. Sau khi xuất hiện cuối cùng đó, sự nghiệp thi đấu quốc tế của Streltsov dừng lại ở mốc 25 bàn sau 38 trận.[17] Về phía câu lạc bộ, Torpedo đã giành cúp Liên Xô mùa giải năm 1968, vượt qua FC Pakhtakor Tashkent 1-0 trong trận chung kết.[5] Streltsov vẫn giữ được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Liên Xô sau khi ghi được tổng số bàn thắng trong một mùa cao nhất sự nghiệp (21 bàn). Streltsov sau đó chuyển sang chơi ở vị trí tiền vệ trước mùa giải 1969 và không ghi bàn trong 23 trận đấu trong hai năm cuối cùng. Anh chính thức nói lời giã từ bóng đá vào năm 1970 ở tuổi 33,[3] để lại kỷ lục 99 bàn thắng sau 222 trận đấu cho Torpedo.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Eduard Streltsov http://www.rsssf.com/miscellaneous/europa-poy56.ht... http://www.rsssf.com/miscellaneous/europa-poy57.ht... http://www.rsssf.com/miscellaneous/ussr-recintlp.h... http://www.rsssf.com/miscellaneous/ussrpoy.html http://www.rsssf.com/tablesu/ussr-intres5259.html http://www.rsssf.com/tablesu/ussr-intres6069.html http://www.rsssf.com/tablesu/ussrhist.html http://www.rsssf.com/tablesu/ussrtops.html http://www.klisf.info/inter/ek/gamer500.htm http://www.klisf.info/numeric/index.app?cmd=ln&id=...